Viên Sùng Hoán - Nỗi oan ai thấu -Nguyễn Công Trình st

Viên Sùng Hoán sinh năm 1584, quê ở Đông Vân, Lôi Châu, Quảng Đông. Ông vốn không phải là một võ tướng mà là quan văn, đỗ Tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ 48 (1619) và được bổ làm quan huyện Vũ Hòa.
Vốn nhiều năm nắm bắt tình hình biên ải, tự tin vào khả năng của mình, Viên Sùng Hoán tự thân tiến cử với hoàng đế Minh Hy Tông: "Nếu như cấp cho thần đầy đủ lương thực, binh mã, một mình thần cũng có thể bảo vệ được vùng đất Liêu Đông". Vì vậy vua Hy Tông đặc cách phong ông phụ trách giám sát việc quân ngoài quan ải để chuẩn bị và đôn đốc chỉ đạo việc quân. Đồng thời cấp cho Viên Sùng Hoán 20 vạn quan tiền để chiêu mộ quân sĩ và bảo vệ thành trì.
Nhờ sách lược tích cực, ông đã giúp nhà Minh giữ vững phòng tuyến Sơn Hải Quan.
Tuy nhiên, sự đối nghịch về lợi ích giữa Viên Sùng Hoán và Hoàng Thái Cực dẫn đến lục đục nội bộ, hai bên không đồng lòng đánh quân Kim.
Do đó, để bảo toàn lực lượng, Viên Sùng Hoán phải hòa hoãn với nhà Kim. Tháng 11 năm 1629, hai bên kịch chiến trước thành Bắc Kinh.

Đích thân Viên Sùng Hoán khoác áo giáp sắt chỉ huy đôn đốc tướng sĩ tích cực chống trả quân Kim. Sau nửa ngày kịch chiến, quân Minh đã đẩy lui sự tấn công của quân Hậu Kim, bảo vệ được kinh thành.
Dù chiến thắng, nhưng Viên Sùng Hoán vẫn bị dèm pha về việc chủ động cầu hòa. Ông phải dâng sớ lên nhà vua giải trình về mục đích hòa để tiến của mình.
Biết Sùng Trinh là một ông vua đa nghi, triều thần có nhiều người đố kỵ với Viên Sùng Hoán, Hoàng Thái Cực đã phao tin Viên Sùng Hoán đã có thỏa ước ngầm với Hậu Kim, dẫn đến những thuận lợi trong chiến dịch chống Kim của ông.

Quả nhiên, vua tôi nhà Minh đều trúng kế. Một số triều thần vu cáo ông là kẻ dẫn Hổ nhập quan, nhằm uy hiếp triều đình, buộc triều đình phải chấp thuận chủ trương nghị hòa với Hậu Kim của ông, và qua đó đôi bên sẽ ký hiệp ước bất bình đẳng trước sự uy hiếp của quân Hậu Kim. Một số khác vu cáo việc quân Hậu Kim vây thành Bắc Kinh lần này hoàn toàn là do Viên Sùng Hoán dẫn về. Khi quân Kim rút lui, ông lại không truy kích, giữa ông và Hoàng Thái Cực thông đồng âm mưu... Bên cạnh đó, Vương Vĩnh Quang cùng đồng đảng lại liên tiếp dâng tấu biểu vu cáo Viên Sùng Hoán cố tình giết Mao Văn Long (là viên tướng trấn giữ vùng biên giới gần với Triều Tiên) để lấy lòng nhà Kim, cấu kết và tư thông với giặc, đề nghị triều đình xử tội.

Hoàng đế Sùng Trinh là một người độc đoán lại đa nghi, sẵn bị áp lực triều chính, nội bộ và cuộc nội chiến (Lý Tự Thành), lại thêm viện binh chậm trễ, vì vậy, lập tức triệu Viên Sùng Hoán vào triều đình vấn tội, trách cứ ông tại sao đưa viện binh về quá trễ, rồi hạ lệnh bắt ông vào ngục. Tháng 8 năm 1630, sau hơn nửa năm bị giam trong ngục, Viên Sùng Hoán bị xét xử vào tội "dối vua phản quốc", tội thông đồng với quân địch với lập luận là: quân địch tự ý thoái lui chứ không phải bị Viên Sùng Hoán đánh bại, Viên Sùng Hoán cũng không đuổi theo quân địch mà đóng quân ở lại kinh thành là có ý đồ. Tội danh này phải xử cực hình: lăng trì tùng xẻo, vợ con thì bị bắt đi đày cách xa 3.000 dặm.


Đau đớn nhất cho Viên Sùng Hoán là kể cả dân chúng kinh thành mà ông hết lòng bảo vệ, cũng cho rằng Viên Sùng Hoán cấu kết và dẫn đường cho giặc Kim vào xâm lược nên ai cũng hận ông đến tận xương tủy. Sau khi ông thọ hình trước cổng thành, nhiều người đã tranh giành thân xác ông như muốn ăn tươi nuốt sống để thỏa nỗi thù hận.




Cái chết của Viên Sùng Hoán khiến cho quân dân rúng động, binh sĩ tiền phương chán nản và bất mãn. Quân Kim từ lúc đó ngày càng chiếm thế chủ động chiến trường. Nhà Minh đã không còn một viên tướng nào đủ tài năng và nhiệt huyết để có thể đọ sức được với Hoàng Thái Cực, đẩy lùi quân Kim. Cũng chính vì sự kiện này mà các nhà quân sự đời sau bình luận rằng nhà Minh mất nước, không mất vì giặc cướp mà mất ngay từ trong cổng ngõ, không mất ở bờ cõi mà mất ngay từ lời xàm tấu Đài quan.


Sau khi Viên Sùng Hoán bị hại, một thuộc hạ trung thành của ông đã trộm được thủ cấp của họ Viên rồi đem chôn giấu ở nơi bí mật. Để tránh bị phát giác, gia đình người thuộc hạ này đã thay tên đổi họ nhiều lần, đến đời Thanh Cao Tông Càn Long đế thì đổi sang họ Xà (佘). Lúc này Viên Sùng Hoán đã được vua Càn Long phục hồi danh dự và ân xá, vị trí ngôi mộ của ông được công khai mà không còn sợ bị phá hại. Mộ của Viên Sùng Hoán chính thức được chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận là di tích lịch sử. Còn họ Xà vẫn tiếp tục công việc canh giữ mộ cho chủ tướng đến tận ngày nay.


Nguồn : wikipedia và danviet

Comments